MỘT SỐ PHONG CÁCH NỘI THẤT PHỔ BIẾN TẠI VIỆT NAM

Một căn nhà không chỉ phục vụ công năng sinh hoạt cho gia đình, nó còn thể hiện đẳng cấp và tính cách riêng của gia chủ. Để có được không gian thoải mái, tiện nghi và sang trọng, việc lựa chọn phong cách thiết kế nội thất sao cho phù hợp là điều hết sức cần thiết. Bài viết này sẽ giới thiệu một số phong cách thiết kế nội thất thông dụng mà bạn có thể lựa chọn cho căn nhà của mình.

  1. Phong cách Hiện Đại

Phong cách hiện đại là gì? Làm thế nào để phân biệt phong cách hiện đại với các phong cách khác?

Nội thất phong cách Hiện Đại với đường nét rõ ràng, vuông thành sắc cạnh
  • Đặc điểm phong cách: Hướng tới sự đơn giản, tinh khiết, gần gũi cùng với những đường nét rõ ràng, sắc sảo, bảng màu đơn giản và tối ưu về công năng. Phong cách Hiện Đại sử dụng toàn bộ các cách bố trí trưng bày các đồ vật trong bố cục và hình khối để tổ chức sắp xếp với nhau một cách hài hoà. Nội thất theo kiểu Hiện Đại thường có sự thoáng mát và sạch đẹp, khi thiết kế nội thất không cần đòi hỏi sự cầu kỳ mà chỉ cần những vật liệu đơn giản thu một chút là có thể sử dụng.
  • Màu sắc chủ đạo: Những gam màu trung tính ( màu trắng, màu vàng be, nâu, đen) là những màu được sử dụng nhiều trong phong cách này. Màu sắc sử dụng một cách trung lập, thường thì màu trắng sẽ làm nền chủ đạo sau đó thêm một mảng màu nổi bật cho mảng tường đã được lựa chọn để làm điểm nhấn.
  • Vật liệu chủ đạo: vật liệu công nghiệp như nhôm, kính và bê tông, những vật liệu được tạo ra từ công nghệ hiện đại.
  • Vật dụng trang trí thường dùng: Thiết kế chủ yếu dựa trên thiết kế mang tính chức năng, đường nét giản lược thanh thoát, màu sắc tương phản mạnh như: tranh treo tường, bình hoa, cây xanh, ảnh gia đình,…
Phòng khách đơn giản với gam màu trắng – be và những đường song song trên trần, tường, sàn tạo cảm giác yên tĩnh kết hợp với cửa kính lớn, đem ánh sáng tự nhiên tràn ngập trong căn phòng
Không gian bếp phong cách Hiện Đại
Phòng ngủ có diện tích nhỏ nhưng nhờ vào sự sắp xếp gọn gàng, ít vật dụng đã trở nên rộng rãi hơn
  1. Phong cách Tân Cổ Điển
Phòng khách phong cách Tân Cổ Điển với nét hiện đại nhẹ nhàng nhưng không kém phần sang trọng
  • Đặc điểm phong cách: Không gian và vật dụng vẫn mang hình thái của phong cách Cổ Điển tuy nhiên đã được giản lượt bớt, đường nét sắc sảo rõ ràng hơn. Nội thất trong căn hộ được sắp xếp một cách tinh tế, hài hòa, mang tính nghệ thuật cao với màu sắc quý phái cùng với họa tiết, hoa văn hiện đại và chất liệu cao cấp.
  • Màu sắc chủ đạo: Các tông màu bạc, vàng trộn lẫn trắng, kem được chọn làm tông màu chủ đạo trong phong cách này
  • Vật liệu chủ đạo: Những chất liệu thường sử dụng trong thiết kế nội thất theo phong cách tân cổ điển là đá hoa cương, kim loại, gỗ, da, vải. Các loại chất liệu này được chế tác khá cầu kỳ, sáng bóng, giúp cho không gian thanh nhẹ nhưng không kém phần sang trọng.
  • Vật dụng trang trí thường dùng: Nội thất Tân Cổ Điển toát lên vẻ đẹp quyến rũ, thanh thoát với những đường cong uyển chuyển của phào, chỉ và các món đồ nội thất. Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những chiếc đèn chùm pha lê lấp lánh, nổi bật giữa phòng khách hay những bộ sofa bọc da mềm mại, đẳng cấp. Đặc trưng của phòng bếp là những bộ bàn ăn đồ sộ, với hệ thống ánh sáng rực rỡ, tăng thêm phần ấm cúng cho mỗi bữa ăn gia đình.
Phòng ngủ với phong cách thiết kế Tân Cổ Điển
  1. Phong cách Cổ Điển

Nhờ sự kế thừa và kết hợp tinh hoa của hai nền văn hóa La Mã và Hy Lạp mà phong cách Cổ điển mang đến cho không gian nội thất sự hoàn hảo trên từng chi tiết, áp dụng nguyên tắc tỷ lệ vàng để tạo nên những tuyệt tác khiến người người phải ngưỡng mộ và thán phục. Có lẽ vì vậy mà trong quá khứ, nội thất phong cách cổ điển từng phát triển mạnh mẽ và trở thành xu hướng thiết kế của thời đại – phong cách của những bậc quyền quý có địa vị cao trong xã hội.

Phòng khách phong cách Cổ Điển
  • Đặc điểm phong cách: Trong thực tế khi áp dụng thiết kế nội thất phong cách Cổ Điển, phải tuân theo các nguyên tắc chặt chẽ như: đối xứng, nhịp điệu, hài hòa,…Nhưng không nhất thiết phải lựa chọn những đồ đạc hay vật trang trí giống nhau. Có thể tạo nên sự hài hòa bằng cách sử dụng, phối kết hợp giữa họa tiết của những bức tường, những tông màu và ánh sáng phù hợp. Đường chỉ phào hoặc tạo ra những đường gờ chạy dọc tường, trần được ưa chuộng bởi phong cách này.
  • Màu sắc chủ đạo: Màu sắc thường được ưu tiên sử dụng trong nội thất Cổ điển là những tông trầm và đậm như vàng, nâu, đen, đỏ… Một số cách phối màu độc đáo trong thiết kế Cổ điển hiện nay đó là: xanh rừng già với xanh rêu, xám và vàng, đỏ rượu vang cùng các gam màu trung tính hay xanh dương và vàng…
  • Đặc điểm sản phẩm: nguyên liệu chủ yếu gồm: gỗ tự nhiên, các loại gạch đá, rèm, thảm nền có in hoa văn lớn. Các chi tiết mạ vàng, chi tiết chạm trổ thành những hoa văn độc đáo tiêu biểu trong phong cách thiết kế này. Ngoài ra còn có thể lựa chọn nhiều vật liệu khác như vải dệt, lụa, gấm nhung, kim loại, kính, thủy tinh, da, pha lê, đá granit, marble…
  • Vật dụng trang trí thường dùng: Đèn đứng hoặc đèn chùm có hình dáng cầu kỳ và những bức tranh lớn thường được dùng làm vật trang trí phổ biến. Đi kèm theo đó còn có thể có những họa tiết hoa văn được làm thủ công khá độc đáo, lấy cảm hứng từ cây cối, hoa lá, hình kỷ hà tạo hình thành những khối đối xứng trong căn phòng vô cùng bắt mắt.
Phòng bếp với phong cách Cổ Điển
Phòng ngủ Cổ Điển kiểu Pháp
  1. Phong cách Bắc Âu ( Scandinavian )

Nếu bạn vẫn đang bâng khuâng về việc chọn phong cách cho ngôi nhà của bạn thì tại sao không thử phong cách Scandinavian này xem ?

Phòng khách phong cách Scandinavian
  • Đặc điểm: Phong cách thiết kế nội thất, kiến trúc Scandinavian tạo nên một không gian thoải mái, tràn ngập ánh sáng, thoáng mát, đơn giản, gọn gàng, hòa hợp với thiên nhiên, đồng thời vẫn rất ấm áp và thân thiện.
  • Màu sắc chủ đạo: Phong cách scandinavian trong thiết kế nội thất người ta hiếm khi sử dụng những gam màu tối, thay vào đó các nhà thiết kế luôn sử dụng tông màu trắng làm màu chủ đạo. Kết hợp với những tông màu Pastel – Gam màu nhạt như xanh dương, hồng phấn, xanh mint… Điều này khiến không gian nội thất vẫn giữ được nét giản dị nhưng tinh tế và gần gũi.
  • Vật liệu chủ đạo: các chất liệu như gỗ tự nhiên, da cùng lông thú và đá được sử dụng thường xuyên trong không gian nhà phong cách Scandinavian.
  • Vật dụng trang trí thường dùng: những chậu cây hoa nhỏ xinh xắn, những chiếc cành cây khô đầy nghệ thuật, lò sưởi, những chiếc thang – giá trang trí bằng gỗ mộc mạc hay những bức tranh và đèn thả trang trí…
Phòng ngủ phong cách Scandinavian với màu trắng xuyên suốt từ sàn gỗ đến tường, trần kết hợp với những giỏ mây trang trí
  1. Phong cách Công Nghiệp ( Industrial )

Có một phong cách thiết kế luôn toát lên vẻ lạnh lùng, cũ kĩ, thô ráp,… đó là phong cách thiết kế nội thất Công Nghiệp. Vậy phong cách thiết kế nội thất Công Nghiệp có gì nổi bật?

Sofa và thảm vải màu tối được ưu tiên sử dụng cho không gian Industrial
  • Đặc điểm phong cách: Những thiết kế thường thấy ở phong cách thiết kế công nghiệp là những bức tường và trần thô thường ốp gỗ tự nhiên, sơn xi măng, hay những đường ống kim loại, hay những viên gạch đã cũ ….
  • Màu sắc chủ đạo: Những gam màu đen, trắng, xám chính là những sắc màu luôn gắn liền với yếu tố công nghiệp. Đối với phòng khách mà được sơn tường màu trắng thì ghế sofa hay rèm cửa được sử dụng với gam màu xanh, màu nâu, hay là màu xám. Và ngược lại nếu tường nhà màu xám thì màu trắng dành cho ghế sofa và rèm cửa tạo điểm nhấn cho căn phòng. Còn đối với những phụ kiện trang trí khác như: bàn ghế, tủ kệ, đèn quạt….hay dùng những gam màu lạnh theo đúng phong cách nội thất công nghiệp hướng đến.
  • Vật liệu chủ đạo: Những dòng vật liệu xi măng, thép sơn đen và gỗ được kết hợp với nhau để tạo nên một không gian tổng thể với màu sắc vô cùng ấm cúng.
  • Không gian ứng dụng: ngày nay phong cách này được sử dụng nhiều trong thiết kế nội thất nhà ở, căn hộ chung cư, thiết kế nội thất nhà hàng, quán cà phê, văn phòng và trang trí cửa hàng.
  • Vật dụng trang trí thường dùng: những đường ống, dây dẫn được che kín bởi những bức tường sơn, những tác phẩm nghệ thuật nên được nhấn mạnh trong không gian này. Có thể là tác phẩm điêu khắc, thậm chí biển báo giao thông cũ,… Nếu không chắc chắn vào sự lựa chọn của mình thì những bức tranh đen trắng đơn giản, khung tranh hiện đại, thảm khổ rộng sẽ giúp bạn ghi điểm ở tất cả các không gian.
Phòng ngủ mang phong cách Industrial với đường ống sắt sơn đen hiện diện ở nhiều đồ vật tạo nên sự nhịp điệu không gian
Phần tường gạch và trần sơn xi măng là hai nét đặc trưng của phong cách này
  1. Phong cách Á Đông

Kiến trúc Á Đông là sự giao thoa của nhiều nền văn hóa, là sự kế thừa của vẻ đẹp truyền thống và phát huy những tinh hoa của kiến trúc hiện đại. Phần lớn, phong cách trang trí nhà của người Phương Đông chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa và Nhật Bản. Người Nhật có khuynh hướng trang trí nhà cửa với màu sắc trung tính, hài hòa và tối giản còn người Trung Hoa lại ưa chuộng màu sắc sặc sỡ với những vật dụng bằng sơn mài hay sơn phết màu đỏ rất rực rỡ.

Phòng khách phong cách Á Đông với bàn trà kiểu cách Nhật Bản, các chi tiết trang trí tường, trần lại mang đậm văn hóa Trung Hoa
  • Đặc điểm phong cách: Đồ nội thất kiểu Á Đông thường đơn giản, mộc mạc, phổ biến và dễ tìm nhưng vẫn rất sang trọng và tinh tế bởi những chi tiết nhỏ như nước sơn, hoa văn, chạm khắc tinh tế.
  • Màu sắc chủ đạo: Gam màu chủ đạo trong những ngôi nhà mang phong cách Á Đông sẽ là màu nhẹ, nhạt, nhã nhặn, sau đó mới điểm xuyết những chi tiết hoặc những món đồ nội thất với tông màu nổi bật như đỏ, nâu hay đen… khéo léo pha trộn thật hài hòa để mang đến nét đẹp độc đáo, ấn tượng cho không gian.
  • Vật liệu chủ đạo: Vật liệu có nguồn gốc tự nhiên luôn được ưu tiên trong việc sử dụng để trang trí cũng như làm đồ nội thất, liệu điển hình như sơn mài, đặc biệt là gỗ. Người phương Đông thường có lối sống nhã nhặn, ôn hoà, thích gần gũi với thiên nhiên. Vì thế, việc lựa chọn nội thất bằng gỗ, đá sỏi, gạch, mây tre, gốm sứ,… mang lại cho gia chủ cảm giác như hơi thở thiên nhiên đang hiện hữu trong chính ngôi nhà của mình.
  • Vật dụng trang trí thường dùng: Tượng, tranh thủy mặc, vách gỗ, gốm sứ, bàn ghế vải bố, hoa văn đặc trưng Á Đông . Về hoa thì thường là các loại hoa: Mai, Lan, Cúc, Trúc.
Phòng ngủ phong cách truyền thống Á Đông
Gốm sứ kết hợp với hoa Lan là điểm nhấn không thể thiếu đối với phong cách Á Đông
  1. Phong cách Japandi

Japandi là phong cách nội thất kết hợp giữa hai phong cách Scandinavian và phong cách Nhật Bản. Hãy cùng tìm hiểu xem sự kết hợp này thú vị như thế nào nhé !

Phòng khách phong cách Japandi với sắc trắng chủ đạo, kết hợp với màu đen thường theo tỷ lệ 70-30
  • Đặc điểm phong cách: là sự kế kết hợp giữa 2 phong cách ấn tượng đang phổ biến hiện nay là phong cách Bắc Âu và phong cách Nhật Bản. Đặc điểm đặc trưng nhất là hướng đến sự tối giản nhất với ít đồ nội thất được sử dụng để tạo sự thoáng đãng cho không gian. Cùng với đó, những phong cách này đều đề cao tính thực dụng với phương châm nghệ thuật không chỉ mang lại giá trị thẩm mỹ mà nó cần tạo được giá trị sử dụng cao cho người dùng với tính tiện nghi, hiện đại.
  • Màu sắc chủ đạo: để tạo nên một căn phòng Japandi, hãy bắt đầu với tông màu tối, thường là màu trung tính. Độ tương phản sau đó sẽ được tạo ra bằng sự kết hợp giữa gỗ nhạt màu và các điểm nhấn đơn sắc.
  • Vật liệu chủ đạo: Scandinavian và Japanese đều lựa chọn sự tinh giản trong thiết kế. Chính vì vậy, đồ nội thất trong những căn hộ Japandi đều mang những nét tinh tế và có giá trị sử dụng cao. Hơn nữa, cả 2 phong cách đều ưu tiên sử dụng nội thất gỗ sáng màu. Nên sẽ chẳng ngạc nhiên khi phong cách Japandi  sử dụng chất liệu gỗ là chủ yếu.
  • Vật dụng trang trí thường dùng: Japandi ưa chuộng sự tối giản, gọn gàng, đề cao tính thực tế. Nhưng để không gian sống trở nên sinh động, thoải mái, không bị đơn điệu, gia chủ nên lựa chọn một vài món đồ trang trí như cây xanh, bình hoa, hay những vật dụng lưu niệm được làm từ chất liệu thiên nhiên như tre, nứa, đá, cho nội thất gia đình được thu hút và mới mẻ hơn.
Sự tương quan màu sắc trong phong cách Japandi
Thoải mái, tối giản là một trong những tiêu chí trung tâm
  1. Phong cách Indochine

Phong cách nội thất Indochine được người Pháp sáng tạo vào thế kỷ 20, nó là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Tân Cổ Điển Pháp với nét đặc trưng văn hóa, địa lý ở các nước Đông Dương. Cuộc sống càng hiện đại con người càng tìm về những giá trị xưa cũ bền vững. Chính vì thế nhiều người luôn ưu tiên phong cách Indochine trong tổ ấm, mô hình kinh doanh của mình. Ba dạng công trình được ưa chuộng khi sử dụng yếu tố Đông Dương hiện nay là: nhà ở, coffee house và homestay.

Phòng khách phong cách Indochine
  • Đặc điểm phong cách: Nhìn vào các công trình kiến trúc, ngôi nhà được trang trí chủ đạo bằng phong cách này có thể thấy được điểm chung ở đường nét cứng rắn, chắc chắn với các cột đá gỗ cao lớn. Hơn thế nữa, màu kem trắng hoặc nâu trầm thể hiện được tâm thế quý phái, vẻ đẹp lâu bền. Các vật dụng nội thất như đèn trần, giường, ghế sofa… vẫn được sắp xếp hài hòa đảm bảo tính tiện dụng và giữ nguyên vẻ đẹp phong cách Indochine.
  • Màu sắc chủ đạo: màu tường thường được sơn trắng, vàng, trang trí bằng vách gỗ, tranh dân gian. Vật dụng thường dùng các loại gỗ có màu sắc đậm, sàn nhà cũng thường dùng các loại gạch có hoa văn, màu đậm như đỏ đậm, đen, nâu.
  • Vật liệu chủ đạo: gỗ tự nhiên, tơ lụa, gạch.
  • Vật dụng trang trí thường dùng: các vật dụng mang nét Á Đông như: chiếc đèn lồng, tượng, đồ gốm sứ, tre nứa, tranh treo tường với nhiều họa tiết là những thứ trang trí không thể thiếu trong phong cách thiết kế này.
Vật liệu gỗ tự nhiên đậm màu và gạch hoa văn được ứng dụng xuyên suốt trong không gian
Indochine giữ được nét đẹp truyền thống với các vật trang trí, hình thể quen thuộc nhưng vẫn rất “Tây”

Nguồn: tổng hợp

Xin chân thành cảm ơn Bạn đã theo dõi bài viết của ZiDECOR !