Có nhiều loại nội thất quan trọng tạo nên tính thẩm mĩ và công năng cho phòng bếp của gia đình. Trong số đó, chậu rửa bát là một phần không thể thiếu và là nơi được sử dụng nhiều thứ 2 đứng sau bếp. Tuy nhiên, việc lựa chọn chậu rửa bát nào tốt, loại nào phù hợp với phòng bếp của gia đình,… lại là một vấn đề quan trọng cần phải cân nhắc. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin hữu ích để việc lựa chọn trở nên dễ dàng hơn.
- Cấu Tạo Chậu Rửa Bát
Chậu rửa bát inox nói riêng và các dòng chậu khác nói chung, nhìn chung đều có cấu tạo như nhau bao gồm hố chậu, bộ xả và vòi nước. Trong đó:
- Hố chậu: có thể bao gồm thêm bàn chờ trái hoặc phải, loại chậu rửa bát 2 hố là thông dụng nhất.
- Bộ xả của chậu: Đây là phụ kiện đi kèm quan trọng trong cấu tạo chậu rửa bát. Nó đảm bảo nước trong hố chậu được thải ra ngoài theo một quy trình chuẩn. Bộ xi phông chậu rửa bát bao gồm: giỏ đựng rác kèm nắp đậy, các ống nối, ống thoát và xả tràn.
- Vòi nước: Là phần vòi lắp trên chậu với chức năng chính là xả nước. Có 2 loại: nhấc lên hoặc núm vặn, tùy vào thiết kế từng loại. Hiện nay, có nhiều loại vòi nước có thể tự động xả/ngắt nước để hạn chế việc bạn phải dùng tay để nhấn.
- Phân Loại Chậu Rửa
Theo số lượng hố của chậu rửa
- Chậu rửa bát 1 hố: Nếu gia đình bạn có không gian bếp nhỏ, thì chậu rửa bát 1 hố là sự lựa chọn hàng đầu. Đây là chậu rửa bát được thiết kế có 1 hố (hộc) để rửa, kiểu chậu rửa bát này thường có kiểu hình vuông, hình tròn, hoặc chữ nhật, một số loại có thêm một bàn để đồ tuỳ thuộc yêu cầu và sở thích của chủ hộ khi chọn lựa. Loại chậu rửa bát này có giá thành khá rẻ do chỉ có 1 hố rửa và cũng có mẫu mã khá phong phú cho bạn lựa chọn. Kích thước tiêu biểu:
- Chiều dài: 478 mm (không có bàn để chén) hoặc 800 mm (có bàn để chén)
- Chiều rộng: 410 mm
- Chiều sâu: 193 mm


- Chậu rửa bát 2 hố: Là chậu rửa bát được thiết kế có 2 hố để rửa. Thường loại chậu này có 2 kiểu thiết kế gồm 2 chậu bằng nhau (chậu rửa bát 2 hố cân) hoặc 1 chậu to 1 chậu nhỏ (chậu rửa bát 2 hố lệch), cũng có khi được thiết kế thêm phần bàn ở phí bên trái hoặc bên phải chậu để tiện lợi hơn khi sử dụng. Đây là loại chậu rửa bát thông dụng, được sử dụng nhiều nhất do có kích thước phù hợp cho nhiều không gian bếp. Kích thước tiêu biểu:
- Chiều dài: 786 mm (không có bàn để chén) hoặc 1160 mm (có bàn để chén)
- Chiều rộng: 416 mm
- Chiều sâu: 192 mm



- Chậu rửa bát 3 hố: Đây là loại chậu rửa bát có kích thước khá lớn, thường là 2 chậu to 2 bên và 1 chậu nhỏ ở giữa hoặc cũng có thể là 3 chậu có kích thước bằng nhau. Vì sản phẩm này có kích thước khá lớn chiếm khá nhiều diện tích thường là từ 1m2 trở lên, nên sẽ phù hợp với phòng bếp có không gian rộng rãi. Do đó bạn nên cân nhắc kỹ trước khi chọn loại chậu này. Kích thước tiêu biểu:
- Chiều dài: 920mm
- Chiều rộng: 450 mm
- Chiều sâu: 230 mm

Theo cách lắp đặt
Chậu rửa bát lắp âm bàn: Sử dụng chậu rửa bát lắp âm trong nhà bếp là xu hướng ngày càng phổ biến hiện nay. Chậu rửa bát lắp âm mang đến không gian bếp vẻ đẹp hiện đại và cực sang trọng. Để lắp đặt được loại chậu rửa này, bắt buộc bạn phải cắt bàn đá âm xuống một khoảng 1mm. Đối với kiểu lắp đặt này.
Ưu điểm là giúp không gian bếp đồng bộ, trông đẹp hơn và dễ vệ sinh hơn.
Nhược điểm của loại này là có giá thành thường cao hơn do khó lắp đặt.

Chậu rửa bát lắp dương bàn: Đặc điểm của loại này là có 1 gờ của chậu nổi lên trên bàn nhưng thường sẽ không dày. Ưu điểm của loại này là giá rẻ hơn nhưng không đẹp và đồng bộ như loại lắp âm bàn.

- Đặc Điểm Chất Liệu Của Chậu Rửa
Chất liệu inox 201: là loại chất liệu khá phổ biến, có giá thành rẻ. Vì có giá thành rẻ nên giá thành của chậu được hak xuống để phù hợp với chi phí bỏ ra của nhiều gia đình. Với loại inox này các hãng chậu thường mạ thêm 1 lớp mạ khiến chậu trông sáng, bóng và đẹp hơn. Nhược điểm của inox 201 là dễ xỉn màu và có khả năng bị gỉ sét.

Chất liệu inox 304: dễ dàng nhận biết được những chậu chất liệu này vì có thường không có lớp mạ sáng, inox có độ mờ, hơi xước. Không bị gỉ sét, không bị xỉn màu, đảm bảo an toàn cho sức khỏe, luôn đẹp và sáng sau nhiều năm sử dụng là những ưu điểm mà loại inox 304 mang lại. Nhược điểm của chậu inox 304 là giá thành cao.

- Chất liệu inox 316: loại này không bị gỉ sét, không xỉn màu và rất an toàn cho sức khỏe. Chậu 316 không có độ mờ như chậu inox 306 mà sẽ sáng hơn. Giá thành của nó cũng sẽ cao và thường chỉ những hãng lớn như Teka, Fagor mới sản xuất, còn các hãng khác thì không.
- Chất liệu inox 430: Là chất liệu kém nhất trong số các chất liệu inox làm chậu. Chậu inox 430 thường xỉn màu, dễ bị ô xi hóa bởi môi trường. Ưu điểm lớn nhất của loại này chính là giá thành chậu khá rẻ.
- Đá Granite: Sản phẩm là chậu đá nhân tạo được đúc từ bột đá Granite tự nhiên. Ưu điểm là bền, dễ lau chùi vệ sinh, không bị móp méo, chịu được vật nặng cũng như chịu nhiệt tốt, có nhiều màu sắc cũng như kiểu dáng bề mặt. Nhược điểm là có khối lượng khá nặng, đối với những sản phẩm sáng màu thì dễ bị bám màu của thực phẩm (ví dụ: trà, cà phê, nghệ, gấc,…) cũng như có giá thành cao so với chậu dùng chất liệu inox.

- Bộ xả và các phụ kiện đi kèm
Bộ xi phông (bộ xả) là phụ kiện đi kèm với chậu rửa bát, thường nằm bên dưới đáy chậu để đảm bảo nguồn nước thải ra ngoài sạch sẽ theo đúng quy trình. Một bộ xi phông tốt phải đảm bảo mùi thức ăn, rác thải không bốc ngược lên trên hay phần nước thải không bị ứ đọng, không bị rò rỉ sau khi sử dụng một thời gian cũng như sự cố nứt, gỉ phần ống thoát dẫn đến rò rỉ nước thải ra sàn nhà.. Bộ phận này khá quan trọng tuy nhiên lại không nhận được sự quan tâm của khách hàng hoặc bị bỏ qua trong quá trình chọn mua chậu rửa.Tốt nhất nên chọn chậu rửa chén có xi phông được tháo lắp dễ dàng và bầu đựng rác được làm bằng inox sẽ có tuổi thọ cao hơn.

Ống nối, ống thoát nước bằng nhựa mềm đảm bảo chịu nước và lắp đặt dễ dàng.
Vòi nước chậu rửa bát (vòi nước bồn rửa bát) là một trong những vật dụng được sử dụng thường xuyên nhất trong căn bếp. Bộ phận này có thể đi kèm hoặc không đi kèm chậu rửa. Thân vòi được làm từ những chất liệu có độ bền cao, tạo sự sang trọng như inox, đá hoa cương,…

Thùng rác cánh tủ tận dụng khoảng trống bên dưới chậu rửa bát. Đây là thiết kế thông minh, bạn chỉ cần mở cánh tủ một cách nhẹ nhàng là đồng thời có thể kéo được thùng rác ra để đựng những rác thải khi nấu nướng và sau bữa ăn của gia đình bởi thùng rác được gắn trực tiếp vào mặt bên trong của cánh tủ.

Hãy tận dụng không gian phía trên của chậu rửa bát để lắp đặt một kệ để bát dĩa, tạo nên một gian bếp gọn gàng, thẩm mỹ.

Máy lọc nước âm: gắn âm dưới thùng tủ của khu vực chậu rữa, cần nguồn cấp điện và nước, sẽ thêm 1 vòi trên bề mặt chậu (vòi của bên lọc nước cấp).

Máy xay rác âm chậu: gắn ngay lỗ thoát của chậu và nối với bộ xả, cần nguồn cấp điện, xay nhiễn xương, vỏ sò, vỏ cua, thức ăn thừa.. và thải theo đường ống xả.

Bộ tách mỡ: gắn trong thùng tủ nối với bộ xả, lọc cặn mỡ tránh gây nghẹt ống thoát, phải thay thường xuyên do đó thường phù hợp với nhà hàng hơn nhà dân.

- Các Vấn Đề Cần Quan Tâm Khi Lựa Chọn và Lắp Đặt Chậu Rửa
- Lựa chọn:
- Kích thước: Tùy theo diện tích, không gian bếp mà chọn mẫu bồn rửa bát phù hợp là điều vô cùng quan trọng. Không gian bếp khiêm tốn mà chọn bồn rửa bát 2 hố, 3 hố sẽ thật sự chật chội, hay diện tích nhà bếp rộng rãi mà chọn bồn rửa bát 1 hố sẽ không hợp lí. Nên chọn hố càng sâu người sử dụng càng thoải mái, ít bị văng nước khi sử dụng.
- Chất liệu: Có khá nhiều chất liệu khác nhau trong sản phẩm này, tất nhiên chất liệu càng cao cấp, bền bỉ, an toàn lại càng đắt. Bạn nên tham khảo những chất liệu bồn từ inox 304 316, độ bền cực kỳ cao mà lại sáng bóng. Nên tránh inox 201, 430 với độ bền kém mà nhanh hỏng vô cùng. Phân biệt bằng cách dùng nam châm, inox 304 không có từ tính, inox 201 có từ tính. Một chú ý khác khá quan trọng là phải xem xét xem đáy chậu inox có lớp sơn chống ồn không, nếu có thì độ hoàn thiện của nó là như thế nào. Ngoài ra nếu bạn thích sự sang trọng, sạch sẽ thì ngoài inox ra, bồn rửa bát bằng đá Granite là một sự lựa chọn không thể bỏ qua.
- Kiểu cách: Vấn đề này không quá khắc khe để bạn phải đau đầu, tuy nhiên, nếu bạn thích sự thẩm mĩ cao và có thể dành ngân sách kha khá cho bồn rửa bát thì loại lắp âm bàn là sự lựa chọn ưu tiên. Nếu không, loại lắp dương bàn cũng là sự lựa chọn phù hợp vì cũng có lối thiết kế đẹp mắt và gờ chỉ nổi lên một chút mà thôi.
- Độ hoàn thiện: Kiểm tra sản phẩm có bị móp méo, bị vênh, bề mặt inox nham nhở,… hay không.
- Phụ kiện đi kèm:
- Với vòi đi kèm chậu, nếu chậu inox thì nên dùng vòi inox, chậu đá thì nên dùng vòi đá. Lưu ý loại vòi rút dây sẽ tiện hơn khi sử dụng.
- Hệ thống xi phông (bộ xả): Loại nhựa ABS sẽ tốt hơn loại thường nên nếu sử dụng nguồn cấp rửa có cả nóng lạnh thì nên ưu tiên bộ xả tốt, kiểm tra kĩ vì bên bán rất hay giao thiếu phụ tùng của bộ xả.
- Thương hiệu: Lựa chọn những thương hiệu lớn sẽ giúp bạn an tâm hơn về độ bền, chất liệu cũng như giá thành hợp lí. Một số thương hiệu hớn trên thị trường: Lorca, Giovani, Malloca, Gorlde, AMTS, Sơn Hà, Kelas, Teka, Topy.
- Lắp đặt:
- Lựa chọn đơn vị cung cấp uy tín, có nhiều kinh nghiệm và có dịch vụ lắp đặt kèm theo là tốt nhất.
- Chậu rửa bát cần được lắp đặt trên mặt phẳng để tránh tình trạng nước rửa bị đọng lại, hiện nay, các gia đình đều lựa chọn bàn đá để đảm bảo độ bằng phẳng và dễ dàng lau sạch.
- Bề mặt lắp chậu phải được bắn silicon khít hết các kẻ hở, tránh ngấm và đọng nước.
- Chậu âm phải thợ cắt đá tay nghề rất cao, nên hỏi thợ đá trước là từng có kinh nghiệm cắt đá và lắp chậu âm chưa. Phù hợp nhất là mặt đá Solid Surface vì đá này độ dày mỏng, hoàn thiện cao hơn các đá khác.
- Lắp bộ Xi phông phải có khúc gập đọng nước (con thỏ) để ngăn mùi hôi trào ngược, lắp xong phải kiểm tra kĩ có trào nước khu vực nào không. Khu vực bộ Xi phông nối với lổ thoát phải được bịt kín để tránh thoát khí hôi (đặc biệt là chung cư).
- Tất cả những phụ kiện khác đi kèm chậu nên tính toán trước sẽ dể lắp đặt sau này hơn.
- Khi lắp đặt vòi – chậu rửa nên chọn địa điểm không gian phù hợp để tiện cho việc sử dụng về sau. Nhất thiết phải có khoảng không ở dưới để thuận tiện cho công việc lắp đặt và kiểm tra hệ thống xiphông khi cần. Đối với vòi lắp liền chậu, các bạn nên lưu ý khi thiết kế hệ thống đường nước chờ âm tường.
- Đầu chờ phải ở dưới bề mặt chậu khoảng 200mm để tiện cho việc lắp dây vòi với đường nước chờ cũng như để tránh gặp hiện tượng dây vòi bị gập khi đầu chờ để quá cao. Không nên tận dụng đựng đồ dưới hộc chậu sẽ ảnh hưởng đến hệ thống xiphông dễ bị hở và dò rỉ nước.